top of page

GÕ CỬA NÀO KHI CHỦ ĐẦU TƯ BỘI ƯỚC

Như ở bài viết NHỮNG RỦI RO CÓ THỂ PHÁT SINH KHI MUA CĂN HỘ CHUNG CƯ, VPI đã chỉ ra rất nhiều rủi ro có phể phát sinh ảnh hưởng tới quyên lợi người mua trong quan hệ mua bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai. Ở bài này, VPI sẽ gợi ý cho bạn một số phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh trong mua bán căn hộ chung cư.

1.Khi nào gõ cửa  Cục Quản Lý Cạnh Tranh

Căn cứ Điều 19 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010,  Điều 15 nghị định số 99/2011/NĐ-CP và Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thuộc trường hợp phải đăng ký hợp đồng theo mẫu tại Cục cạnh tranh trước khi giao kết với với người tiêu dùng.

Điều 26, 27, 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Cục Cạnh tranh là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm tra và thông qua thủ tục đăng ký hợp đồng mẫu đồng thời cũng là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Do đó, khi gặp tranh chấp liên quan tới hợp đồng mua bán căn hộ đã ký bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới Cục cạnh tranh. Các trường hợp cụ thể  như:

- Chủ đầu tư áp dụng cách  tính diện tích không phù hợp. Áp dụng cách tính tim tường thay vì thông thủy;

- Chủ đầu tư thu 100% giá trị căn hộ trước khi bàn giao; không thực hiện hoặc chậm cấp sổ đỏ;

- Chủ đầu tư áp dụng mức phạt chậm thanh toán quá cao đối với người mua trong khi miễn trừ trách nhiệm chậm bàn giao nhà đối với chủ đầu tư;

- Các điều khoản khác trong hợp đồng hoặc cách áp dụng hợp đồng mà theo anh/chị là gây thiệt hại cho người mua hoặc miễn trừ trách nhiệm cho chủ đầu tư. V.v …

Nhấn tải về để tải mẫu đơn khiếu nại

Địa chỉ gửi đơn:

Phòng bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản Lý Cạnh Tranh, Bộ Công Thương;

Địa chỉ: Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 04 2220 5022            Fax: 04 2220 5003

Email: bvntd@moit.gov.vn

2. Khi nào gõ cửa Sở xây dựng;

Căn cứ thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV ngày 16/11/2015, Sở Xây Dựng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị.

Căn cứ luật kinh doanh bất động sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Xây dựng ngoài chức năng quản lý trên, Sở Xây Dựng còn là cơ quan trực tiếp cấp giấy phép xây dựng và thanh tra các dự án xây dựng nhà ở đồng thời là cơ quan chấp thuận cuối cùng cho phép Chủ đầu tư được phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Do đó, trong trường hợp phát hiện các vi phạm của chủ đầu tư liên quan tới chất lượng, tiến độ, mật độ xây dựng công trình các anh/chị có thể gửi đơn khiếu nại. Ví dụ một số trường hợp thực tế phát sinh:

- Chủ đầu tư chậm tiến độ;

- Chủ đầu tư thay đổi thiết kế Tòa nhà (xây thêm tầng, thay đổi mục đích sử dụng ….);

- Chủ đầu tư vi phạm về mật độ xây dựng (không đảm bảo tỷ lệ cây xanh, giao thông … theo thiết kế);

- Chủ đầu tư vi phạm thiết kế phần sở hữu chung, sở hữu riêng, …;

- Chủ đầu tư mở bán khi chưa xây xong móng, chưa có bảo lãnh ngân hàng hoặc điều kiện khác theo luật định;

Địa chỉ nhận đơn: Sở Xây Dựng nơi dự án tọa lạc.

3. Khi nào gõ cửa Ngân hàng bảo lãnh

Nếu như hai cửa trên chỉ dừng lại ở việc khiếu nại tới các cơ quan chức năng Nhà nước để gây áp lực yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng hoặc khắc phục các sai phạm thì đối với cửa Ngân hàng bảo lãnh bạn nên gõ khi chủ đầu tư vi không thể hoàn thành dự án dẫn tới bạn không còn khả năng sở hữu căn hộ đã đặt mua nữa. Như vậy, lựa chọn đòi lại tiền thanh toán là lựa chọn duy nhất. Tất nhiên, việc đòi tiền từ chủ đầu tư trong tình trạng tài chính yếu kèm không thể hoàn thành dự án đúng tiến độ không khác gì lắm kẻ chọc đầu.

Trong trường hợp này, các anh/chị hãy mang theo thư bảo lãnh/cam kết bảo lãnh gõ cửa Ngân hàng bảo lãnh để yêu cầu hoàn trả tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư.

 

4. Khi nào khởi kiện ra Tòa án;

Tòa án luôn là nữa chọn cuối cùng khi hai bên không đạt được đồng thuận và 3 bước nêu trên không đạt hiệu quả như mong muốn. Phán quyết của Tòa sẽ giúp anh/chị giải quyết dứt điểm tranh chấp phát sinh. Tất nhiên, tố tụng tại Tòa án luôn phức tạp và mất thời gian. Bởi vậy anh/chị nên thuê ngay một luật sư uy tín để được tư vấn và bảo vệ quyền lợi tốt nhất.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở vui lòng inbox cho VPI để được trợ giúp.

Nếu thấy bài viết hữu ích anh/chị có thể share hoặc mời VPI một cốc cà phê thông qua  Paypal được gắn phía dưới.

Hãy theo dõi VPI trên facebook hoặc website của VPI để cập nhật những bài viết mới của chủ đề “Bảo vệ quyền lợi người mua nhà”.

Công ty Tư Vấn Giải Pháp VPI Việt Nam (VPI LAW)

Địa chỉ: P203, C6, Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội

Email: dichvu.vpi@gmail.com

Hotline: 093.633.1826

© 2017 by VPI LAW created with Wix.com

Donate with PayPal
  • Facebook Social Icon
  • Google+ Social Icon
  • YouTube Social  Icon
bottom of page